06/10/2023
Bệnh đau mắt đỏ: Điều trị và phòng bệnh
Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính thường khỏi sau 1 đến 2 tuần nếu không có biến chứng, tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động.
1. Bệnh đau mắt đỏ là gì?
Đau mắt đỏ là bệnh gặp phổ biến, xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường gia tăng khi thời tiết ẩm thấp. Ở Việt Nam vào mùa mưa tháng 6-7 là thời điểm dịch đau mắt có nguy cơ bùng phát mạnh và bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng. Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính thường khỏi sau 1 đến 2 tuần nếu không có biến chứng, tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động. Có không ít trường hợp bệnh kéo dài và có biến chứng ảnh hưởng thị lực sau này nên mọi người luôn phải có ý thức phòng bệnh tốt và cần được can thiệp kịp thời khi bị mắc bệnh.
|
|
Nguyên nhân gây bệnh thường do adenovirus, ngoài ra có thể gặp do EnteroVirus 70 (thuộc nhóm PicornaVirus), Coxakie A24. Adenovirus có thể gây rất nhiều bệnh nhiễm trùng ở kết mạc và giác mạc. Có đến 10/32 týp huyết thanh của adenovirus có thể gây bệnh ở mắt. Hai hình thái thường gặp nhất là viêm kết mạc kèm sốt, viêm họng - hạch (pharyngoconjunctival fever – PCF) và viêm kết giác mạc thành dịch (Epidemic keratoconjunctivitis – EKC).
Đường lây truyền của đau mắt đỏ: Đau mắt đỏ lây truyền từ người này qua người khác qua dịch tiết ở mắt hoặc đường hô hấp người bệnh. Người lành có thể nhiễm virus khi dùng chung đồ dùng sinh hoạt với người bệnh như khăn rửa mặt, chậu rửa mặt, cốc uống nước... hoặc chất tiết dính vào tay rồi lên mắt. Khi tiếp xúc với người bệnh virus có thể qua hơi thở (giọt nước bọt) để truyền sang cho người lành.
2. Đặc điểm lâm sàng của bệnh đau mắt đỏ
|
|
Viêm kết mạc - họng - hạch
Hình thái này do serotype 3, 4, 7 gây nên, thường kèm viêm đường hô hấp trên. Bệnh nhân sốt nhẹ, đau họng, ho, có thể nổi hạch trước tai, dưới hàm, người mệt mỏi.
Tại mắt thấy mi sưng và cảm giác nặng mi, cảm giác cộm như có cát ở trong mắt, sau đó mắt sưng nề nhanh. Tiết tố trong và dính. Kết mạc cương tụ, có thể phù, xuất hiện hột thành dãy ở cùng đồ (to, ánh hồng, không xâm nhập sụn, không để lại sẹo). Có thể có xuất huyết kết mạc, màng giả kết mạc (màu xám, mềm, dễ bóc). Giác mạc không bị tổn thương.
Viêm kết giác mạc thành dịch
Do serotype 8, 11, 19 gây nên, thường không kèm triệu chứng toàn thân.
Tổn thương kết mạc tương tự như hình thái trên.
Tổn thương giác mạc tiến triển theo 3 giai đoạn:
- Giai đoạn 1 (tiến triển trong vòng 7 ngày sau khi khởi phát bệnh): Trên giác mạc xuất hiện những chấm viêm biểu mô toả lan hoặc có thể tróc biểu mô dạng chấm. Bệnh thường khỏi sau 2 tuần hoặc chuyển sang giai đoạn sau.
- Giai đoạn 2 (xuất hiện từ 7 đến 10 ngày sau khi khởi phát): Trên giác mạc xuất hiện viêm biểu mô dạng chấm sâu. Bệnh có thể khỏi hoàn toàn sau điều trị.
- Giai đoạn 3 (xuất hiện sau ngày thứ 8): Biểu hiện bằng viêm biểu mô dạng chấm sâu, viêm nhu mô trước. Nếu không điều trị đúng, các ổ viêm này sẽ tồn tại hàng tháng hoặc hàng năm và gây giảm thị lực một cách đáng kể.
Viêm kết mạc do EnteroVirus
- Tác nhân gây bệnh là EnteroVirus 70 (thuộc nhóm PicornaVirus). Đây là một bệnh hiếm gặp, lây lan mạnh, tiến triển nhanh, có thể khỏi sau 1 tuần.
- Bệnh bắt đầu bằng triệu chứng cộm, chảy nước mắt. Tại mắt xuất hiện hột trên kết mạc mi kèm thoát huyết dưới kết mạc (xuất huyết dưới kết mạc), có thể kèm viêm biểu mô giác mạc dạng chấm.
3. Phương pháp điều trị Đau mắt đỏ
|
|
Cần cách ly bệnh nhân và giữ vệ sinh chung. Chưa có thuốc chống adenoVirus đặc hiệu nên chủ yếu là điều trị triệu chứng, phòng biến chứng và nâng cao thể trạng.
Nước muối sinh lý tra rửa thường xuyên: giúp đẩy bớt virus gây bệnh ra ngoài, làm êm dịu cho mắt.
Kháng sinh không có tác dụng diệt virus, tra kháng sinh tại mắt để chống bội nhiễm. Các loại kháng sinh tra như: Tobramycin (Tobrex), nhóm quinolon như ofloxacin, oflovid…
Cần thận trọng khi dùng corticoid: dùng trong giai đoạn lui bệnh, dùng liều thấp và không dừng đột ngột tránh gây bệnh phát triển kéo dài và tái phát. Tác dụng chống viêm của các Thuốc tra corticoid rất khác nhau, có thể chia làm 3 mức: tác dụng yếu (cortisol và hydrocortisol), tác dụng trung bình (prednison, prednisolon), tác dụng mạnh (dexamethason, betametason).
Nước mắt nhân tạo: Các thuốc dùng để làm trơn bề mặt kết-giác mạc và thay thế nước mắt: Unihy, Sanlein, PolyTears, Tears Naturale II, Tears plus, Refresh. Hiện nay đã có dạng nước mắt nhân tạo không có chất bảo quản, chẳng hạn Refresh Plus hoặc Celluvisc, không gây độc hại cho biểu mô giác mạc.
Thuốc giúp cho sự liền sẹo giác mạc: Các thuốc tra mắt được dùng để thúc đẩy sự phục hồi tổn thương giác mạc có thành phần chủ yếu là vitamin, nandrolon, acetylcystein, các nucleosit. Các thuốc này tác dụng theo 2 cơ chế: tăng cường sự tái tạo biểu mô giác mạc hoặc chống lại men collagenaza. Một số thuốc thông dụng là: Vitamin A, Vitamin B12, Vitacic, Kératyl, Amicic, Ophtasiloxane.
Một số người có kinh nghiệm xông lá thuốc: lá dâu, lá tre, hoa cúc…ở giai đoạn mắt đã gần ổn định (qua cơn viêm cấp) đem lại cảm giác dễ chịu đáng kể.
Điều trị giống nhau, nguyên nhân gây bệnh giống nhau nhưng mỗi người bệnh sẽ cảm nhận thấy độ nặng nhẹ, thời gian khỏi bệnh, số lần bị bệnh, nguy cơ biến chứng…rất khác nhau. Có rất nhiều lý do tạo ra sự khác biệt như trên: type virus khác nhau, sức khỏe và miễn dịch khác nhau, tuổi tác…
4. Phương pháp phòng bệnh đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ là một loại bệnh mà phòng bệnh tốt và đơn giản hơn nhiều chữa bệnh và phòng bệnh là cách tốt nhất để kiểm soát lây lan đau mắt đỏ. Các cách phòng bệnh thông thường như:
- Rửa, nhỏ mắt thường xuyên bằng nước muối sinh lý, đeo kính, khẩu trang khi đi đường.
- Rửa tay thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn, xà phòng, chú ý không dùng chung khăn rửa mặt, chậu rửa, và nhất là lọ thuốc nhỏ mắt. Ngay cả khi cả nhà cùng bị đau mắt đỏ cũng không dùng chung lọ thuốc nhỏ mắt. Tránh dụi tay vào mắt và đặc biệt không đi bơi trong giai đoạn có dịch.
5. Một số lưu ý khi có dịch đau mắt đỏ:
- Hạn chế đến chỗ đông người đặc biệt là nguồn dịch. Tránh dụi tay vào mắt. Hạn chế bơi lội trong giai đoạn phát dịch.
- Khi bị bệnh nên hạn chế tiếp xúc hay đến chỗ đông người, đeo kính và băng khẩu để phòng bệnh cho người khác.
- Không tự ý mua thuốc tra, đặc biệt thuốc chứa corticoid hoặc dùng thuốc của người khác tra.
- Không tự đắp lá trầu, lá dâu vào mắt hoặc những thuốc dân gian như đắp ếch nhái. Chỉ được xông lá trầu, lá dâu…khi giai đoạn gần khỏi.
Theo Thạc sĩ - Bác sĩ Trần Văn Hà
Phó trưởng khoa Mắt (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc)
|