Điện xung
Tác dụng giảm đau của dòng điện xung còn do tác dụng chống viêm, giảm phù nề chèn ép, giảm chuyển hóa các chất trung gian hóa học tại chỗ, tăng cường tuần hoàn và dinh dưỡng tổ chức...

1.Khái niệm.

Xung điện là một dòng xung không liên tục trong một thời gian ngắn có xung sau đó là khoảng nghỉ. Dòng điện xung là dòng điện có nhiều xung điện liên tiếp tạo ra. Dòng điện xung không đổi hướng là dòng điện xung một chiều, dòng xung luôn đổi hướng gọi là dòng điện xung xoay chiều.

2. Tác dụng sinh lý của dòng điện xung.

2.1. Tác dụng ức chế: giảm đau và giảm trương lực cơ.

Dùng các dòng điện xung có cường độ tăng từ từ, tần số cao, loại dòng như Diadynamic, Trobert, Burst - TENS... có tác dụng giảm đau rõ rệt, giảm trương lực cơ co thắt, thư giãn cơ. Tác dụng giảm đau của dòng điện xung được giải thích bằng các cơ chế sau:

- Theo thuyết cổng kiểm soát của Melzack và Wall

+ Kích thích đau được truyền hướng tâm theo sợi Aδ và C vào sừng sau tủy sống và tiếp xúc với tế bào vận chuyển T (transmission cell) và không gây hưng phấn neurone liên hợp do đó không gây ra ức chế dẫn truyền trước sinap của cả sợi Aδ và sợi C (cổng mở), nên xung động được dẫn truyền lên đồi thị cho ta thấy cảm giác đau.

+ Các xung động bản thể được chủ yếu theo các sợi to (Aα và Aβ) cho một nhánh tiếp xúc với neurone liên hợp và gây hưng phấn neurone này, do đó gây ức chế trước sinap dẫn truyền của cả sợi to và sợi nhỏ (cổng đóng). Khi đó xung động đau từ sợi nhỏ Aδ và C bị chặn lại trước khi tiếp xúc với tế bào T nên không bị dẫn truyền lên trên làm cho ta có cảm giác giảm đau. Các kích thích của điện xung (đặc biệt là các dòng xung có tần số cao từ 80-200Hz, cường độ thấp, thời gian xung ngắn) được dẫn truyền theo các sợi to Aα và Aβ làm đóng cổng kiểm soát ngăn không cho xung động đau được dẫn truyền lên, đây chính là cơ chế giảm đau của dòng điện xung theo thuyết “cổng kiểm soát(Hình 4.16)

- Thuyết về sự phóng thích endorphine của Sjolund và Ericsson: khi kích thích bởi dòng điện xung có tần số thấp (dưới 50Hz), cường độ cao, thời gian kéo dài như dòng xung nhóm Burst - TENS, hay xung ngắt quãng trong điện châm, hệ thần kinh trung ương có thể sẽ phóng thích ra endorphine là các chất giảm đau nội sinh (morphine nội sinh) gây tác dụng giảm đau mạnh và kéo dài.

- Thuyết về sự ngưng trệ sau kích thích của hệ thần kinh giao cảm của Sato và Schmidt: kích thích các sợi thần kinh nhóm II và III sẽ hạn chế hoạt động quá mức của thần kinh giao cảm.

- Ngoài các cơ chế trên, tác dụng giảm đau của dòng điện xung còn do tác dụng chống viêm, giảm phù nề chèn ép, giảm chuyển hóa các chất trung gian hóa học tại chỗ, tăng cường tuần hoàn và dinh dưỡng tổ chức...

2.2. Tác dụng kích thích thần kinh cơ.

Các dòng điện xung có tần số thấp, cường độ tăng nhanh, loại dòng như dòng tam giác, chữ nhật, AMF, giao thoa, kiểu Nga... có tác dụng kích thích thần kinh cơ, làm tăng dẫn truyền thần kinh, tăng trương lực cơ, tăng khối lượng cơ.

2.3. Hiện tượng quen của cơ thể đối với dòng điện xung.

Là hiện tượng sinh lý bình thường của cơ thể dần dần thích nghi với kích thích. Trong thực hành ta thấy, khi nâng cường độ đạt tới mức rung cơ mạnh, nhưng sau khoảng 1 phút độ rung cơ yếu dần mặc dù cường độ kích thích vẫn giữ nguyên, muốn có độ rung như lúc đầu phải tăng cường độ lên một chút. Vì vậy, trong điều trị phải hạn chế hiện tượng quen bằng cách: tăng dần hoặc biến điệu cường độ, thay đổi tần số, thay đổi kiểu xung, mặt khác không nên kéo dài thời gian trong một lần điều trị quá 15 phút.

3. Chỉ định và chống chỉ định.

3.1. Chỉ định.

- Giảm đau: đau lưn­g, đau cổ vai, đau cơ, đau thần kinh ngoại vi, đau khớp, đau chấn thương.

- Một số bệnh thần kinh vận mạch, loạn dưỡng Sudeck, bệnh Buerger, hội chứng Raynaud, thần kinh ngoại vi.

- Kích thích thần kinh cơ: giảm sức cơ, bại, liệt, kích thích cơ trơn bị liệt...

- Viêm mạn, làm lành vết thương.

3. Chống chỉ định.

- Người mang máy tạo nhịp, mất cảm giác vùng điều trị, các khối u, đang đe doạ chảy máu.

- Không để dòng điện xung đi qua tim, bào thai, vùng có kim loại (đinh, nẹp...). Thận trọng khi điều trị qua não.

- Người không chịu được dòng điện xung.

4. Sử dụng dòng điện xung trong điều trị đau.

4.1. Lựa chọn các dòng điện xung.

4.1.1. Dòng xung 1 chiều.

- Tác dụng cực:

+ Tại cực (+): tác dụng ức chế (giảm hưng phấn) nên có tác dụng để giảm đau.

+ Tại cực (-): tác dụng kích thích, giãn mạch, nên được dùng để kích thích thần kinh - cơ.

Cần chú tác dụng tổn thương da tại các điện cực (tác dụng Galvanic), do đó phải có điện cực vải đệm và không tăng cường độ dòng quá cao.

- Dòng Faradic: chọn tần số là yếu tố tác dụng quan trọng nhất trong điều trị đau, sự biến đổi tần số mang lại tác dụng giảm đau rõ rệt. Thường dùng giảm đau ở tần số từ 80-200Hz, trung bình là 100Hz.

- Dòng Dia: thường sử dụng kết hợp 3 phút CP + 3 phút LP để giảm đau tại chỗ.

- Dòng 2-5 được dùng theo kiểu phản xạ đốt đoạn, đặt hai điện cực dọc cột sống tại một trong 4 vị trí:

+ Gáy: điều trị đau ở cổ vai gáy và đầu.

+ Vùng liên bả vai: điều trị đau chi trên.

+ Dọc đốt sống lưng: điều trị đau vùng ngực.

+ Vùng thắt lưng: điều trị đau thắt lưng và chi dưới.

4.1.2. Xung xoay chiều.

- Không phân cực nên không gây tổn thương da do đó có thể tăng cường độ cao để tác dụng sâu.

- Với dòng AMF và dòng giao thao IF:

+ Với đau mạn tính: dùng tần số nền 2000-2500Hz, tần số AMF dưới 50Hz, khoảng quét hẹp (30-50Hz), chương trình quét nhanh đột ngột (1/1, 1/5/1/5...).

+ Với đau cấp tính: dùng tần số nền trên 4000Hz, tần số AMF từ 80-200Hz, khoảng quét rộng (80-100Hz), chương trình quét chậm và kéo dài (6/6, 1/12/1/12...).

- Với dòng TENS: trong giảm đau dùng dòng hai pha không đối xứng, và dòng TENS nhóm (Burst - TENS):

+ Thời gian xung: đau cấp dùng dưới 150ms , đau mạn dùng dưới 150ms.

+ Tần số: dòng TENS thông dụng có tần số cao 100Hz, cường độ dòng thấp. Dòng TENS châm cứu có tần số thấp (dưới 50Hz), cường độ dòng cao.

+ Dòng Burst TENS: lấy một trong hai dòng trên làm nền, tần số nhóm 1-5Hz.

4.2. Phác đồ tổng quát.

Thông số

Đau cấp tính

Đau mạn tính

Dòng xung

Êm dịu: AMF, IF, LP, 2-5, TENS thông dụng.

Kích thích mạnh: CP, CPid, MF, TENS châm cứu, Burst – TENS.

Tần số

80-200Hz

Dưới 50Hz, trung bình 30-50Hz.

Chương trình quét

Khoảng rộng (80-100Hz), chậm và kéo dài (6/6, 1/12/1/12...)

Khoảng hẹp (30-50Hz), nhanh đột ngột (1/1, 1/5/1/5...)

Thời gian xung

Dưới 200[m]s

Trên 200]m]s

Cường độ

Gấp 2-3 lần ngưỡng cảm giác

Gấp 3-4 lần ngưỡng cảm giác.

Thời gian điều trị

4-6 phút/lần x 10 lần hàng ngày

7-10 phút/lần x 10-25 lần cách ngày

(Nguồn từ website: http://benhvienphcnnghean.vn)


TIN MỚI
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 377
  • Trong tuần: 1 372
  • Tất cả: 182153

BỆNH VIỆN PHỤC HỒI CHỨC NĂNG TỈNH VĨNH PHÚC

Bằng tất cả khả năng, trí tuệ và trang thiết bị hiện đại chúng tôi mong muốn mang lại sự an tâm, thoải mái nhất cho người bệnh. 

 Đội ngũ các y Bác sỹ của Bệnh viện áp dụng các công nghệ cao trong điều trị và chuẩn đoán bệnh chính xác, kịp thời, nhanh chóng

Địa chỉ: Tầng 1,9,10,11,12 Tòa nhà C, Bệnh viện Sản - Nhi, Km 9 Quốc lộ 2A, đoạn đường tránh Vĩnh Yên, Xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc

Điện thoại: 0211.3861211 - 0211.3847511 - 0913258255 - 0852908333 - 0915.057599

Email: benhvienphcn@gmail.com